Nên hay không xạ trị khi bị ung thư?

Bị ung thư có nên xạ trị?

Bạn có biết rằng có hơn 14 triệu ca ung thư mới mắc được chuẩn đoán trên toàn thế giới mỗi năm? Và xạ trị có thể làm tăng khả năng chữa khỏi bệnh ung thư cho khoảng 3,5 triệu người cũng như giúp điều trị triệu chứng , tăng cường chất lượng cuộc sống cho khoảng 3,5 triệu người khác. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy khoảng 50% số bệnh nhân mắc ung thư cần xạ trị  và một nửa trong số đó được xạ trị với mục đích chữa khỏi bệnh.

Năm 1895, nhà bác học Roentgen đã phát minh ra tia X, mở ra hàng loạt các phát minh sau đó về các tia phóng xạ có khả năng đi xuyên qua vật chất và gây tác động lên vật thể sống. Xạ trị là một nghành khoa học, ứng dụng những phát minh, hiểu biết về các loại tia hay hạt mang năng lượng cao như tia X, tia gamma, chum tia electron hay proton để phá hủy hay làm tổn thương các tế bào ung thư trong cơ thể.

Một tế bào bình thường trong cơ thể sẽ trải qua các giai đoạn chính yếu: trưởng thành, phân chia tạo ra các tế bào mới và sau đó sẽ tự động chết đi, tuy nhiên với tế bào ung thư, chúng trưởng thành, phân chia với tốc độ nhanh hơn và còn có khả năng bất tử, tránh được quá trình chết theo lập trình của một tế bào bình thường, từ đó chúng cứ sinh sôi, tạo thành các khối bứu trong cơ thể. Xạ trị gây tác động lên các DNA trong các tế bào ung thư, làm chúng ngừng phát triển, ngừng phân chia và chết đi.

Điều bình thường là các tế bào quanh mô bứu cũng có thể bị ảnh hưởng nhưng chúng sẽ mau chóng hồi phục và trở lại hoạt động bình thường nhờ cơ chế tự sửa chữa DNA vẫn còn hoạt động tốt ( ngược lại khả năng sửa chữa DNA của tế bào ung thư rất kém).

Giờ đây xạ trị trở thành một phương tiện chủ lực, là một trong ba Phương pháp điều trị chính tại các trung tâm, bệnh viện điều trị ung thư trên toàn thế giới, kể cả ở nước phát triển hay chưa phát triển. Xạ trị có thể thực hiện cho bệnh nhân ung thư các giai đoạn với mục đích tiêu diệt/ trị khỏi bứu đối với một số loại ung thư giai đoạn sớm, ngăn ngừa ung thư tái phát, hay điều trị triệu chứng, tăng cường chất lượng sống cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn. Không giống như hóa trị vì thuốc hóa trị ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, xạ trị chỉ có tác dụng khu trú tại vị trí được chiếu tia với mục đích tác động tối đa lên mô bứu và tối thiểu lên mô lành xung quanh. Ngoài ra vẫn có một số phương pháp xạ trị toàn thân tuy không được sử dụng nhiều, bằng cách cho người bệnh uống hoặc truyền tĩnh mạch chất phóng xạ. Các chất phóng xạ này sẽ lưu hành khắp cơ thể nhưng chủ yếu tập trung ở những vùng có tế bào ung thư cho nên cũng ít ảnh hưởng đến các bộ phận khác.

Sự thật: xạ trị là một trong ba vũ khí chủ lực giúp điều trị khỏi ụng thư.

–Bs. Nguyễn Huỳnh Hà Thu

 

Trả lời